Hệ quả Trận_sông_Piave_(1918)

Sau khi quân Áo bị đánh lui, các tướng lĩnh phe Entente (nhất là Tướng Pháp Ferdinand Foch) đã ra sức thuyết phục quân Ý tiếp tục truy kích và tiến tới đánh tan hoàn toàn quân Áo. Tuy nhiên Armando Diaz nhận ra rằng kiểu chiến thuật mà ông áp dụng tại sông Piave đã khiến cho quân Ý không thể nhanh chóng tấn công quân Áo ngay được: các đơn vị Ý lúc đó đã tản mát và trộn lẫn quá mức để có thể được phối hợp tốt cho một đợt công kích mạnh. Thêm vào đó, nếu cố vượt sông thì người Ý cũng sẽ gặp phải các vấn đề hậu cần tương tự như quân Áo. Chính vì vậy, trong thời gian tới quân Ý chỉ mở các cuộc công kích nhỏ lẻ và tập trung tăng cường lực lượng nhằm chuẩn bị cho một đòn đánh mạnh trong tương lai.

Về phía Áo-Hung, trận sông Piave là chiến dịch tấn công lớn cuối cùng của quân Áo. Mặc dù quân Ý và các đồng minh cũng chịu thiệt hại đáng kể (bị bắt khoảng 5 vạn người), nhưng các đợt tấn công của quân Áo-Hung đã hoàn toàn bị bẻ gãy với thương vong rất lớn.[7] Thất bại chiến lược này là một đòn đánh nặng vào tinh thần và sự đoàn kết của quân Áo-Hung cũng như mang lại nhiều hậu quả lớn cho nền chính trị của một đất nước đang kiệt quệ vì chiến tranh.[9] Trận Piave cũng đánh dấu chấm hết cho quân đội Áo dưới tư cách là một lực lượng chiến đấu hữu hiệu và mào đầu quá trình sụp đổ của bản thân đế quốc Áo-Hung mà đoạn kết của nó sẽ đến khi thảm họa Vittorio Veneto xảy ra bốn tháng sau đó.[10][11]

Liên quan